Nghề phục chế và làm nhà giả cổ

2014-02-18 11:23

Những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, một số người có điều kiện kinh tế có nhu cầu phục dựng và làm mới nhà giả cổ. Đây không chỉ là thú chơi đơn thuần mà còn là tín hiệu tích cực trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng nghề mộc, nề mỹ nghệ trong tỉnh đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật kết hợp tinh hoa kinh nghiệm, tay nghề vào các khâu phục dựng, làm nhà giả cổ, đem đến cho khách hàng những ngôi nhà có phong cách cổ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, hiện đại.

Nghề phục chế và làm nhà giả cổ trên địa bàn tỉnh được bắt nguồn từ việc phục chế các công trình văn hóa như đình, chùa, miếu mạo của các nhóm thợ lành nghề ở các làng nghề truyền thống như: mộc mỹ nghệ La Xuyên, Yên Ninh (Ý Yên), Trung Lao (Trực Ninh), Hải Minh, Phạm Rỵ, Hải Trung (Hải Hậu) và các làng nghề xây dựng truyền thống như làng nghề Vũ Lao, Tân Thịnh (Nam Trực), Bình Lãng, Yên Thọ (Ý Yên)... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hàng chục tốp thợ đảm nhiệm công việc làm nhà giả cổ, mỗi năm lắp đặt, bán hàng chục ngôi nhà giả cổ với giá 2-3 tỷ đồng/ngôi nhà. Ngoài những quy trình cần sử dụng kỹ thuật thủ công, thợ làm nhà giả cổ đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất để rút ngắn thời gian hoàn thiện ngôi nhà. Cụ thể như việc đưa máy móc vào các khâu bóc tách gỗ, dựng cột, đục thô; xử lý hóa chất và ngâm, sấy để ổn định độ đàn hồi của gỗ trước khi đưa vào ghép mộng, đục, chạm…

Để kéo dài tuổi thọ của ngôi nhà, người thợ làng nghề đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại xử lý bỏ thuốc chống mối mọt ngay khi chuẩn bị dựng cột và dưới nền nhà trước khi đặt gạch làm móng, lát nền. Bên cạnh đó, các phiên bản nhà cổ, phối cảnh không gian kiến trúc ngôi nhà đều được người thợ lưu trữ dữ liệu bằng phần mềm riêng để tiện cho việc giới thiệu, phối cảnh, tính toán tỷ lệ, giá thành, thời gian hoàn thành công việc theo yêu cầu của khách hàng… Với cách làm này, thời gian hoàn thành một ngôi nhà đã được rút ngắn từ 3-4 năm xuống còn 8 tháng đến 1 năm. Hiện nay, xã Hải Minh (Hải Hậu) có khoảng 10 cơ sở chuyên sản xuất và phục chế thành công nhiều công trình nhà cổ. Mỗi năm vài chục ngôi nhà giả cổ được dựng nên từ đôi bàn tay tài hoa của các nhóm thợ nơi đây. Các ông Đinh Văn Quang, Đinh Văn Hoàng, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Kỳ… là những người đã có trên 30 năm gắn bó với nghề phục dựng, làm mới nhà giả cổ. Trong đó, gia đình ông Đinh Văn Hoàng, xóm 35 đã có 3 đời gắn bó với nghề làm đồ mộc mỹ nghệ và phục chế các công trình kiến trúc cổ. Với kinh nghiệm “nằm lòng” từ thời tóc còn để chỏm, ông luôn mơ ước được tự tay mình làm những ngôi nhà gỗ theo phong cách cổ để lưu giữ nét tài hoa tinh tế trong cách bài trí và cách dụng mộc của người xưa. Do đó, ngay khi nhận thấy nhà giả cổ có thị trường, ông đã âm thầm tập trung vốn, tuyển thợ làm nhà. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Hoàng đã thiết kế, phục dựng và làm khoảng vài trăm căn nhà giả cổ ở khắp các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ. Trong đó, nhà cổ Bắc Bộ được khách hàng ưa chuộng hơn cả do phù hợp với văn hóa và sinh hoạt truyền thống của người dân cũng như các điều kiện phục dựng. Chất liệu để dựng các ngôi nhà giả cổ chủ yếu bằng bốn loại gỗ thuộc hàng “tứ thiết”, có giá trị cao là: đinh, lim, sến, táu. Ngoài ra, một số khách hàng còn yêu cầu sử dụng các loại gỗ quý như sưa đỏ, đinh hương nên giá thành thấp nhất cho một ngôi nhà cũng từ 2-3 tỷ đồng, cao nhất có khi lên đến vài trăm tỷ đồng. Giá thành cao lại kén khách, vì thế người thợ phải cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng theo quan niệm xưa để ngôi nhà vừa đẹp, chất lượng tốt, lại vừa đảm bảo yếu tố tâm linh phong thuỷ. Đặc biệt để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại, ông Hoàng thay đổi một số tiểu tiết như thiết kế buồng ngủ, khu vệ sinh khép kín để lắp đặt các thiết bị sinh hoạt hiện đại. Ngoài ngôi nhà chính, ông còn thiết kế cổng, ao, tiểu cảnh, nhà khách, nhà ngang, nhà trưng bày, phòng trà... để hoàn thiện các công trình phục vụ nhu cầu tìm lại những ngôi nhà với phong cách thuần Việt theo lối kiến trúc xưa của khách hàng. Hiện tại ông đang có gần 100 thợ kỹ thuật, một số thợ lành nghề phụ trách tổng thể công trình trong suốt thời gian thi công.

Với sự năng động và tài hoa trong thiết kế, phục dựng nhà giả cổ, người thợ ở các làng nghề mộc mỹ nghệ trong tỉnh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề mà còn góp phần “ghi danh” một thương hiệu mới của đất Nam Định qua các công trình kiến trúc phong cách cổ được người tiêu dùng đón nhận./.